Bệnh cảm cúm

Bệnh cảm cúm

Ngày đăng : 9/7/2020 | 663 lượt xem

Bệnh cảm cúm một dạng bệnh truyền nhiễm do virus có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp. Đây cũng là căn bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc và đối với một số nhóm người cụ thể như người già và trẻ nhỏ, nó có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được chữa trị kịp thời.

Triệu Chứng Bệnh Cảm Cúm

Bệnh cảm cúm thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nhưng các triệu chứng của cúm thường có chiều hướng phát triển nhanh (thường 1-4 ngày sau khi bệnh nhân nhiễm phải virus cúm) và thường nghiêm trọng hơn so với triệu chứng hắt hơi và nghẹt mũi đặc trưng của bệnh cảm.

Triệu chứng lâm sàng của cảm cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm virut.

- Triệu chứng đầu tiên là sốt, đau hay rát họng,

- Sau đó là ngạt mũi và chảy nước mũi.

- Ngoài ra có các triệu chứng như: sốt, ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, nhức cơ, mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn,..

Nguyên Nhân Cảm Cúm

Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp do virut cúm gây ra (có rất nhiều chủng khác nhau). Siêu vi cúm có trong nước mũi, nước bọt người bệnh, bệnh lây truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh rất dễ lây lan, một ngày trước khi có triệu chứng, người bệnh đã có thể truyền virut cho người khác và tiếp tục truyền lan trong nhiều ngày kế tiếp

Biến Chứng

- Hô hấp là biến chứng chủ yếu và nặng nhất: viêm phổi tiên phát và thứ phát trong đó viêm phổi tiên phát là nặng nhất: nhiệt độ không giảm vào ngày 3-5 mà tiếp diễn, kèm khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong nếu không điều trị.

- Bệnh cúm còn đánh thức những bệnh tiềm tàng như viêm tai, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu…

- Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai hay gây biến chứng phổi hoặc xảy thai. Nếu mắc trong 3 tháng đầu có thể gặp bệnh lý thai, nhất là về hệ thần kinh trung ương, không gây quái thai.

- Bệnh cúm ác tính hiếm gặp nhưng tử vong cao, khởi đầu như cúm thường, rồi xuất hiện hội chứng suy hô hấp do phù phổi cấp tính gây tử vong do thiếu oxy máu không khắc phục được

Phòng Bệnh

- Rửa tay với xà phòng trước và sau các bữa ăn, trước khi cầm nắm thực phẩm, trước khi chăm sóc người già và trẻ nhỏ, sau khi sử dụng toilet, sau khi xì mũi và sau khi chạm vào các bề mặt chia sẻ sự tiếp xúc như mặt bàn, nắm đấm cửa ra vào, tay vịn, …

- Nếu cảm thấy không khỏe, bạn hãy nghỉ ngơi ở nhà, tránh nơi tụ tập đông người để phòng việc lây lan virus cho người khác.

- Nếu có các triệu chứng như cúm, bạn luôn phải đeo khẩu trang và che miệng cũng như mũi khi họ hoặc hắt hơi.

Phương pháp điều trị: Y học cổ truyền chia làm hai loại: Ngoại cảm phong hàn và ngoại cảm phong nhiệt. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc đông y đơn giản để điều trị bệnh viêm họng, cảm cúm:

1.Ngoại cảm phong hàn:

Triệu chứng: sợ lạnh, gai rét, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi, xổ mũi, không có mồ hôi.... 

Bài thuốc “Hương tô” :

- Lá tía tô tươi:  20g

- Hương phụ (Tức củ gấu): 20g

- Gừng tươi: 5g

Cách dùng:

Đổ 1,5 bát nước vào 3 vị thuốc, đun sôi khoảng 20 phút, chắt lấy nước uống chia làm 02 lần, uống lúc thuốc còn nóng rồi nằm đắp chăn để cho mồ hôi toát ra

Bài thuốc “Tử tô thông bạch”

- Lá tía tô tươi: 20g

- Hành hoa(Thông bạch) tươi: 10g

Cách dùng: Nấu cháo chín rồi trộn tía tô, hành hoa thái nhỏ, ăn lúc còn nóng rồi đắp chăn cho ra mồ hôi.

2.Ngoại cảm phong nhiệt

Triệu chứng: Sốt cao, sợ nóng, đau đầu,ho khan, miệng đắng, khát nước, mắt đỏ, ra mồ hôi...

Bài thuốc: “Sài hồ liên tiền giải cơ thang”

- Lá cúc tần tươi(Sài hồ nam):30g

- Rau má tươi (Liên tiền thảo):50g

-Bột sắn dây: 10g

Cách dùng:

Đổ 1,5 bát nước vào 2 loại lá trên, đun sôi 20 phút, chắt lấy nước hoà với 10g bột sắn dây uống chia làm 2 lần

Với kinh ngiệm dân gian, nồi lá xông cũng có tác dụng rất tốt trong điều trị các bệnh viêm họng, cảm cúm, các loại lá để làm nồi xông gồm có các loại lá thơm có tinh dầu có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng... Ở đây xin dẫn ra

một số lá, một số cây mà bà con quen dùng: lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu... Có thể kết hợp vừa xông thuốc, vừa uống thuốc sẽ đạt hiệu quả cao khi điều trị.

Biên soạn: Đông y gia truyền Hạnh Lâm Đường -Hải Phòng

Từ khóa: Đông y Hạnh Lâm Đường, Đông y gia truyền, Đông y Hải Phòng, Chữa bệnh, Đông y, Thuốc đông y, Y học cổ truyền, Y học dân tộc, Nhân sâm, Linh chi, Đông trùng hạ thảo, châm cứu, bấm huyệt