Việc hiếm muộn do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có khi là do người chồng của họ mắc một số chứng về sinh lý yếu như hoạt tinh, di tinh, liệt dương, lãnh tinh (lượng tinh trùng yếu và thiếu về số lượng), sự hoạt động của tinh trùng kém, tỷ lệ tinh trùng di động ít… Hoặc chị em kinh nguyệt không đều, có khi bế kinh 2 – 3 tháng (không có hành kinh), có người tới 6 tháng hoặc 1 năm, thậm chí đến 2 năm… Cũng có khi kinh nguyệt lại quá nhiều, tháng một lần song lượng quá nhiều, hoặc 1 tháng có hai, ba lần. Thậm chí rong kinh hàng tuần… Đôi khi đau bụng kinh dữ dội…
Một số nguyên nhân từ phía nam giới:
Như không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu và tinh trùng dị dạng. Ngoài ra có một số các trường hợp khác như xuất tinh ngược dòng (tinh trùng không được phóng ra ngoài mà chảy ngược vào bàng quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài).
Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do một số bệnh lúc bé có thể gây yếu kém khả năng sinh sản. Tinh hoàn không hạ xuống làm giảm khả năng của tinh dịch. Bệnh quai bị sau khi dậy thì sẽ gây viêm tinh hoàn và giảm số lượng tinh trùng. Bệnh lao và hoa liễu làm viêm tắc ống dẫn tinh. Cả hai trường hợp có thể làm tinh dịch đến mức gần như không có. Caffeine, rượu, nicotine, manjuana làm hại tinh hoàn và làm giảm số tinh trùng.
Nguyên nhân từ phía nữ giới: Sử dụng một số biện pháp tránh thai
- Uống thuốc tránh thai kéo dài: Bình thường, thuốc tránh thai không có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của bạn cũng như khả năng sinh con. Nhưng việc sử dụng thuốc tránh thai kéo dài cũng có thể gây khó có thai lại trong vòng 6 tháng đầu sau khi dùng thuốc.
- Đặt dụng cụ tử cung: Nếu như việc đặt dụng cụ tử cung bình thường và không gây ra viêm nhiễm thì nó không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Nhưng nếu xảy ra viêm nhiễm thì có thể dẫn đến vô sinh. Bình thường, dụng cụ tử cung là hoàn toàn vô khuẩn, vì vậy khi viêm nhiễm tử cung hay âm đạo thì nó là điều kiện để vi khuẩn từ ngoài vào trong dễ gây viêm nhiễm và rong kinh. Vì vậy, trước khi đặt vòng thì cần điều trị các viêm nhiễm phụ khoa nếu có. - Phụ nữ hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chất nicotin làm co mạch và giảm cung cấp máu, gây rối loạn chức năng hoạt động của bộ phận sinh dục và có thể là nguyên nhân dẫn đến vô sinh.
- Nhiễm trùng tiểu khung: Viêm tắc vòi trứng: nếu bị viêm tắc vòi trứng thì trứng và tinh trùng không thể gặp nhau để thụ tinh được.
Những vấn đề với tử cung:
- Viêm niêm mạc tử cung: có thể làm cho niêm mạc tử cung phát triển trong những ngày rụng trứng và có thể dẫn đến dính.
- U xơ tử cung, polip tử cung
- Lạc nội mạc tử cung: Bệnh lạc nội mạc tử cung gây đau bụng lúc có kinh, trứng rụng bất thường và loa vòi không bắt được trứng.
- Cổ tử cung bị viêm, sẹo, không tiết dịch nhày, khoét chóp để lại sẹo.
Những vấn đề với buồng trứng: Bất cứ rối loạn nào làm cho noãn không phát triển hoặc làm cho trứng không đủ chín, hay chín mà không rụng đều có thể là nguyên nhân dẫn đến vô sinh
Trong một số trường hợp, cả hai vợ chồng đều bình thường về phương diện sinh sản, nhưng tinh trùng người chồng không thích hợp với chất nhầy ở cổ tử cung người vợ, làm cho tinh trùng bị chết và không đi vào đường sinh dục nữ được. Trường hợp này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm sau giao hợp: bác sĩ sẽ lấy chất nhầy ở cổ tử cung người vợ, vài giờ sau giao hợp để xem sự di động và khả năng sống của tinh trùng.
Hiện nay, hầu hết các thống kê trên thế giới đều cho thấy tỉ lệ hiếm muộn ngày càng gia tăng. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân:
Phụ nữ lập gia đình trễ hơn và muốn có con ở tuổi lớn hơn.
Nhiều thống kê trên thế giới cho thấy chất lượng tinh trùng nam giới đang giảm dần, có thể do ảnh hưởng môi trường và hoàn cảnh sinh sống.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục xuất hiện với tỷ lệ cao hơn trong cộng đồng, dẫn đến tắc vòi trứng, giảm chất lượng tinh trùng, rối loạn khả năng sinh sản.
Việc sinh hoạt tình dục sớm và quan hệ với nhiều bạn tình ngày càng phổ biến và càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nguy cơ dẫn đến hiếm muộn.
Ở nước ta, hiện nay tỉ lệ nạo phá thai ở phụ nữ khá cao. Một biến chứng lâu dài rất thường gặp của nạo phá thai hiện nay là hiếm muộn - vô sinh. Rất nhiều phụ nữ sau vài lần nạo thai đã bị vô sinh do tắc vòi trứng hoặc viêm dính buồng tử cung. Do đó, nếu chưa muốn có con, tốt nhất bạn nên sử dụng một biện pháp ngừa thai thật an toàn để dự phòng khả năng bị biến chứng vô sinh sau nạo thai.
Thuốc cổ truyền có ý nghĩa điều hòa và bổ trợ chức năng sinh sản như thế nào? Với nam giới Trước hết, nếu nguyên nhân do phía nam, có thể tìm đến các vị thuốc mang tính chất “Bổ thận dương”: Dâm dương hoắc, nhục thung dung, tắc kè, hải mã, hải sâm, lộc nhung, nhân sâm, hà thủ ô đỏ, ba kích, đỗ trọng, bạch cương tằm, ngài tằm đực… kết hợp với các loại thuốc khác. Tùy theo triệu chứng của từng trường hợp mà vận dụng các vị thuốc cho phù hợp. Có thể dùng dưới dạng thuốc hãm, thuốc sắc hoặc thuốc ngâm rượu. Về liều lượng và cách dùng cụ thể cần được tư vấn nơi các thầy thuốc Y học cổ truyền.
Với nữ giới Trong các trường hợp vô kinh hoặc bế kinh mức độ vừa phải, thường sử dụng các vị thuốc hoạt huyết: Ích mẫu, ngưu tất, hồng hoa, đào nhân, xuyên khung… Nếu thời gian bế kinh kéo dài, có thể dùng các vị thuốc phá huyết (tác dụng hoạt huyết mạnh hơn): nga truật, tô mộc, khương hoàng… Đương nhiên khi dùng các vị thuốc hành huyết nói trên thường dùng kèm các vị thuốc hành khí: hương phụ, trần bì, hậu phác… vì Y học cổ truyền quan niệm: khí có hành thì huyết mới hành còn khí bị tắc thì huyết bị trệ. Nếu huyết bị trệ, tức huyết lưu thông kém thì sẽ gây đau đớn: “Bất thông tắc thống”. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc điều kinh theo từng chứng bệnh: Khi bế kinh, đau bụng nhiều dẫn đến buồn phiền, mất ngủ, hồi hộp, lo sợ, đôi khi có cảm giác buồn nôn, nấc… có thể sử dụng cổ phương sau: ngũ linh chi, xuyên khung, đương quy, đào nhân mỗi vị 15g; hồng hoa, cam thảo mỗi vị 12g; mẫu đơn bì, xích thược, ô dược, hương phụ, chỉ xác mỗi thứ 10g; huyền hồ 6g. Uống dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần. Uống tới khi thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại. Trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt, kinh không đều, có kinh đau bụng, có thể sử dụng phương sau: hương phụ, ngải cứu, ích mẫu, lá bạch đồng nữ, mỗi vị 10-12g (khô). Sắc uống, ngày 1 thang, có thể thêm đường để điều vị. Uống sau khi hết kinh độ 5-7 ngày. Uống liền 2-3 tuần lễ.
Trường hợp kinh nguyệt kéo dài, máu ra nhiều, có thể dùng lá ngải cứu, lá cỏ nhọ nồi sao đen. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3-5 thang, hoặc dùng hòe hoa, trắc bách diệp, kinh giới tuệ, tất cả sao đen. Sắc uống ngày 1 thang, uống 3-5 thang. Trong trường hợp lượng kinh nguyệt ít, máu thâm, cần dùng các vị thuốc bổ huyết: bạch thược, đương quy, thục địa… kèm theo các vị thuốc hoạt huyết như xuyên khung, hồng hoa… Ví dụ dùng cổ phương: bạch thược, xuyên khung, đương quy, thục địa, hồng hoa, mỗi vị 12g, ngày 1 thang sắc uống. Uống liền 3-4 tuần lễ.
Mặt khác, đối với các chị em có buồng trứng phát triển không tốt, nội tiết tố kém… dẫn đến các tình trạng rối loạn kinh nguyệt và suy yếu các hoạt động sinh lý: thờ ơ, lãnh cảm… cũng cần tìm đến một số các vị thuốc “Bổ thận dương”: ba kích, hà thủ ô đỏ, tắc kè, cá ngựa… Tuy nhiên để kết quả đạt như ý muốn, cần có sự tư vấn đầy đủ của các thầy thuốc Y học cổ truyền. Như ta đã biết, trong thời đại hiện nay, với trình độ y học ở nước ta, việc khám và điều trị các bệnh vô sinh không còn là vấn đề quá khó khăn và thần bí như trước nữa. Vì vậy, người bệnh cũng cần trau dồi những hiểu biết cần thiết nhất để tránh những nguy cơ bị lừa đáng tiếc do các cảnh “thai ảo” gây ra, để rồi tiền lại mất và tật vẫn mang.
Biên soạn: Đông y gia truyền Hạnh Lâm Đường -Hải Phòng
Từ khóa: Đông y Hạnh Lâm Đường, Đông y gia truyền, Đông y Hải Phòng, Chữa bệnh, Đông y, Thuốc đông y, Y học cổ truyền, Y học dân tộc, Nhân sâm, Linh chi, Đông trùng hạ thảo, châm cứu, bấm huyệt
Điện thoại: 0987.607.894 0982.848.176
Email: hanhlamduong.hp@gmail.com